01
Bạn Huyền (Đồng Nai) hỏi: Tôi thấy giặt quần áo bằng máy đều không sạch, rất dễ hư hỏng mà còn tốn điện, nước, bột giặt. Xin chỉ cho tôi cách giặt để có quần áo sạch mà vẫn tiết kiệm điện, nước.
expand_more
Hầu hết các loại máy móc đời mới đều rất thân thiện và dễ sử dụng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết sử dụng một cách hợp lý để tiết kiệm được điện nước và kéo dài tuổi thọ cả quần áo lẫn máy.
Tùy theo loại quần áo mà chọn chế độ giặt thích hợp. Các loại vải cao cấp như tơ lụa nên chọn chế độ giặt nhẹ với thời gian khoảng 2 – 4 phút; quần áo bình thường chọn chế độ vừa từ 6 -8 phút và chỉ có quần áo dày như Jean, kaki…mới dùng chế độ giặt mạnh.
Và thường những loại vải được cấu tạo từ chất liệu đặc biệt không nên giặt bằng máy vì dễ bị sờn bạc, rách do ma sát mạnh và bị giằng kéo khi giặt.
Nếu quần áo quá bẩn, thời gian giặt từ 10 đến 12 phút, sau đó chuyển sang chế độ xả. Muốn tiết kiệm điện, nước và rút ngắn thời gian nhưng quần áo vẫn sạch, nên vắt hết nước bẩn sau lần giặt đầu tiên rồi hãy giặt tiếp. Vì khi ở chế độ xả, máy không tự vắt được, điều này làm các chất bẩn khó thoát hết ra bên ngoài.
Nếu quần áo quá bẩn nên ngâm nước khoảng 20 phút bên ngoài, chà sạch các vị trí dễ két bẩn như cổ áo, cổ tay. Sử dụng bột giặt chuyên dụng dành cho máy giặt, ít bọt nhưng có khả năng tẩy rửa cao. Điều này khiến khi xả được mau sạch và có thể tiết kiệm được 1-2 lần nước.
Các máy giặt hiện đại đều có chế độ giặt nước nóng để tăng hiệu quả giặt tẩy, nhưng để tiết kiệm điện thì tùy mức độ sạch bẩn của quần áo để chọn nhiệt độ phù hợp. Nhiệt độ thích hợp nhất dùng cho máy giặt là 40 độ C.
Ở nhiệt độ này, bột giặt dễ hòa tan và ngấm tốt vào quần áo, lôi kéo chất bẩn ra ngoài. Nếu nước nóng quá sẽ làm một số loại vải bị biến hình, nhăn nhúm, mất tính đàn hồi.
Khi kết thúc quá trình giặt, nên lau sạch các vết bẩn trong và ngoài máy để tránh vi khuẩn sinh sôi trong điều kiện ẩm ướt.